boi thuong thiet hai

DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

STT Viết đầy đủ Viết tắt
1 Luật Bảo hiểm y tế ( Luật số: 25/2008/QH12) ngày 14 thàng 11 năm 2008) Luật BHYT 2008.
2 Luật sử đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế (Luật số: 46/2014/QH13) ngày 13 tháng 06 năm 2014. Luật BHYT 2014.
3 Nghị định 146/2018 NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số Điều của Luật Bảo hiểm y tế Nghị định 146/2018 NĐ-CP

I. Tổng quan về bảo hiểm y tế

Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng, là cơ chế tài chính vững chắc giúp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Chính sách BHYT của Việt Nam được bắt đầu thực hiện từ năm 1992. Trong suốt hơn 20 năm qua, BHYT đã khẳng định tính đúng đắn của một chính sách xã hội của Nhà nước, phù hợp với tiến trình đổi mới đất nước. BHYT mang một ý nghĩa rất nhân văn đó là làm hạn chế những thiệt thòi, rủi ro mang tính xã hội, tạo nền tảng cho việc thực hiện công bằng xã hội và đảm bảo các hoạt động xã hội. Do đó, quan điểm của nhà nước ta đối với chính sách BHYT rất rõ ràng.

1. Khái niệm:

Hiện nay có nhiều quan niệm khác nhau về BHYT, BHYT cần được nhìn nhận đầy đủ theo cả ba khía cạnh: kinh tế, xã hội và pháp lý. Theo từ điển bách khoa Việt Nam, BHYT “là loại bảo hiểm do Nhà nước tổ chức, quản lý nhằm huy động sự đóng góp của cá nhân, tập thể và cộng đồng xã hội để chăm lo sức khỏe, khám bệnh và chữa bệnh cho nhân dân”[1]. Bên cạnh đó, BHYT theo quan niệm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) với cách tiếp cận BHYT “là một nội dung thuộc an sinh xã hội và là loại hình bảo hiểm phi lợi nhuận, nhằm đảm bảo chi phí y tế cho người tham gia khi gặp rủi ro, ốm đau, bệnh tật”. Theo pháp luật Việt Nam tại Luật bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi , bổ sung 2014 quy định “Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.”

Từ những khái niệm trên, có thể rút ra BHYT là một khoản tiền dành ra trong số tiền thu nhập của mỗi cá nhân hay mỗi hộ gia đình để đóng vào quỹ do Nhà nước đứng ra quản lý, nhằm giúp mọi thành viên tham gia quỹ có ngay một khoản tiền trả trước cho các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ thanh toán khoản chi phí này theo quy định của Luật BHYT. Như vậy, BHYT là sự bảo vệ của xã hội đối với thành viên của mình thông qua quá trình tổ chức và sử dụng một quỹ tiền tệ tập trung, được tích lũy chủ yếu từ sự đóng góp của những người tham gia, đặt dưới sự điều tiết của Nhà nước nhằm trước hết đảm bảo chi trả chi phí y tế cơ bản cho thành viên xã hội khi họ gặp rủi ro về sức khỏe, cần sử dụng các dịch vụ y tế.

2. Đặc điểm BHYT

Bảo hiểm y tế có một số đặc trưng riêng sau:

Thứ nhất, để đảm bảo cho việc thực hiện BHYT diễn ra một cách thống nhất thì cần sự tổ chức, điều hành của cơ quan mang quyền lực Nhà nước.

Thứ hai, chủ thể tham gia BHYT là hầu hết mọi thành viên trong xã hội. Điều 12 Luật BHYT 2008 đã quy định cụ thể các nhóm đối tượng tham gia BHYT bao gồm: Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động; Nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng; Nhóm do ngân sách nhà nước đóng; Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng; Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình.

Thứ ba, mục đích thực hiện BHYT là để đảm bảo chăm sóc y tế cho người dân. Bảo hiểm y tế là cơ chế tài chính cho chăm sóc sức khỏe nhân dân, nguồn lực tài chính để y tế cơ sở hoạt động. Trước hết BHYT thực hiện chức năng đảm bảo sức khỏe tối thiểu cho người dân. Chủ thể tham gia BHYT khi sử dụng các dịch vụ y tế theo Luật định thì được BHYT chi trả một phần hoặc toàn bộ dịch vụ khám chữa bệnh, với hạn mức Luật định. Bên cạnh đó là cơ sở cho việc đổi mới chính sách y tế nói chung và chính sách BHYT nói riêng

Thứ tư, BHYT mang tính cộng đồng cao. BHYT là sự san sẻ rủi ro của mọi người trong cộng đồng, là giải pháp hữu hiệu để mọi người vượt qua bệnh tật. Theo đó, người khỏe mạnh giúp đỡ người bị bệnh về mặt tài chính để họ được sử dụng thuốc men, trang thiết bị y tế sớm bình phục sức khỏe.

3. Vai trò Bảo hiểm y tế

Là một cách thức trợ giúp tài chính cần thiết cho chính bản thân và gia đình người tham gia BHYT. BHYT góp phần tạo nên sự công bằng xã hội trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, qua đó giúp xã hội thoát khỏi đói nghèo. BHYT là một công cụ giúp nhà nước cụ thể hóa rõ nét quyền con người trong xã hội, trong đó có quyền được chăm sóc sức khỏe đã được ghi nhận tại nhiều văn bản pháp lý quốc tế.

II/ Bình luận

1. Cơ sở khoa học:

Tổng quan pháp luật về bảo hiểm y tế

Pháp luật về BHYT là hệ thống những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do nhà nước ban hành hoặc và đảm bảo thực hiện, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực bảo hiểm y tế.

Pháp luật về BHYT quy định về chế độ, chính sách bảo hiểm y tế, đối tượng, mức đóng, trách nhiệm và phương thức đóng bảo hiểm y tế; thẻ bảo hiểm y tế; phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế; tổ chức khám bệnh, chữa bệnh cho người tham gia bảo hiểm y tế; thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; quỹ bảo hiểm y tế; quyền và trách nhiệm của các bên liên quan đến bảo hiểm y tế. Pháp luật BHYT chỉ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có liên quan đến bảo hiểm y tế; đồng thời không áp dụng đối với bảo hiểm y tế mang tính kinh doanh.

 Sự hình thành và phát triển của pháp luật bảo hiểm y tế tại Việt Nam

Giai đoạn từ năm 1992 đến tháng 8/1998: Giai đoạn chính sách BHYT được thực hiện theo Nghị định số 299/HĐBT ngày 15/8/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Trong giai đoạn này, mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện BHYT cho các đối tượng dân cư nông thôn và lao động tự do. Song căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, trên cơ sở điều lệ BHYT, người có thẻ BHYT nhân dân được thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo phương thức thực chi, có mức trần điều trị nội trú, cùng chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước.

Giai đoạn từ 8/1998 đến năm 2002: Giai đoạn chính sách BHYT được thực hiện theo Nghị định số 58/1998/NĐ-CP ngày 15/8/1998 của Chính phủ, nhưng chưa có Thông tư hướng dẫn về BHYTTN nhân dân. Vì vậy, việc triển khai BHYTTN nhân dân vẫn tiếp tục dưới hình thức thí điểm, mang tính nhỏ lẻ, thiếu thống nhất, kết quả thu được không đáng kể. Mô hình BHYT cho thân nhân người lao động, thành viên, hội viên của một số hội, đoàn thể cũng bước đầu được thí điểm.

Giai đoạn từ 2003 đến 01/7/2005: Triển khai BHYT nhân dân theo hộ gia đình và hội viên hội đoàn thể, có điều kiện về tỷ lệ số người tham gia trong cộng đồng mới phát hành thẻ, mức đóng phân theo khu vực thành thị và nông thôn.

Giai đoạn từ 10/2005 đến 2008: Từ tháng 10/2005 đến 3/2007: BHYT được tổ chức, thực hiện theo Nghị định số 63 và Thông tư liên tịch số 22/2005/TTLT-BYT-BTC ngày 24/8/2005 của liên Bộ Y tế – Tài chính. BHYT vẫn được triển khai theo hộ gia đình và hội viên hội đoàn thể nhưng giảm bớt điều kiện về tỷ lệ số đông khi tham gia, bỏ điều kiện tham gia đủ lâu theo quy định mới được hưởng một số dịch vụ kỹ thuật. Với điều lệ mới ban hành kèm theo Nghị định số 63, quyền lợi của bệnh nhân BHYT được mở rộng gần như tối đa.

Từ 2009 đến nay: Được quy định trong Luật BHYT 2008 và trong một số thông tư, nghị định đi kèm, ví dụ như Nghị định số: 62/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2009 thay thế cho Nghị định số 63/2005/NĐ-CP và điều 18 Nghị định số 36/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ. Luật BHYT 2008 vẫn còn một số hạn chế, do đó Luật BHYT  đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014 để khắc phục một số điểm hạn chế này.Bên cạnh đó, Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của luật bảo hiểm y tế ra đời và có hiệu lực thi hành ngày 01 tháng 12 năm 2018.

Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 538/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án Thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012 – 2015 và 2020 vào ngày 29/03/2013. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1167/QĐ-TTg về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 – 2020, trong đó nâng chỉ tiêu bao phủ về dân số tham gia BHYT năm 2010 lên 90% trở lên cho tất cả các địa phương trên phạm vi cả nước.

Bên cạnh các văn bản quy phạm pháp luật quy định về bảo hiểm y tế còn rất nhiều các bài báo khoa học, tạp chí khoa học, luận văn thạc sĩ, tiến sĩ, các bài báo cáo,…nghiên cứu về vấn đề này. Nhóm tác giả xin liệt kê một số bài nghiên cứu tiêu biểu sau:

Về báo cáo, đề án, chuyên đề:

– Báo cáo kết quả nghiên cứu khả năng thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân của Bộ Y tế năm 2011.

– Đề án Thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020 của Bộ Y tế.

– Nghiên cứu về khả năng tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân của Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế.

– Chuyên đề bảo hiểm y tế toàn dân – thực trạng và kiến nghị năm 2013 của Trung tâm thông tin khoa học thuộc Viện Nghiên cứu lập pháp.

– Phát triển hệ thống an sinh xã hội Việt Nam phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đề tài khoa học cấp bộ, năm 2006 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Về luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, đề tài nghiên cứu:

– Luận văn Thạc sĩ Hoàng Mạnh Trường “Thực hiện pháp luật về bảo hiểm y tế ở Việt Nam hiện nay”.

– Luận văn Thạc sĩ Nguyễn Thị Tứ “ Phát triển và hoàn thiện hệ thống bảo hiểm y tế tại Việt Nam”.

– Trần Quang Lâm, Bảo hiểm y tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, luận văn thạc sĩ năm 2006.

– Luận án Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng “Nghiên cứu một số yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến thu – chi quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, giai đoạn 2002 – 2006, 2012.

– Luận án Tiến sĩ Lê Minh Tuyến “Nghiên cứu các nhân tố tác động đến sự tham gia bảo hiểm y tế của nông dân trên địa bàn Thành phố Hà Nội”.

– Nguyễn Hiền Phương, Cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật an sinh xã hội ở Việt Nam, nghiên cứu sinh năm 2008.

– Mai Ngọc Cường, Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội – 2009.

– Hồ Ngọc Cẩn, Võ Thanh Nhu, Chế độ, chính sách mới về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, NXB Lao động, Hà Nôi – 2006.

Bài báo đăng tạp chí:

– Đào Văn Dũng, Thực hiện chính sách BHYT ở nước ta: Thành tựu, thách thức và giải pháp, Tạp chí Tuyên giáo số 8/2009.

– Nguyễn Huy Ban, Tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm y tế và lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, tạp chí Bảo hiểm xã hội, số 7/2004.

– Nguyễn Hiền Phương, Bảo hiểm y tế trong hệ thống an sinh xã hội Việt Nam, tạp chí Luật học, số 10/2006.

– Nguyễn Hiền Phương, Một số giải pháp cơ bản hoàn thiện pháp luật Bảo hiểm y tế ở Việt Nam, tạp chí Bảo hiểm xã hội, số 4/2008.

– Phạm Văn Chung, Nhìn lại một số quy định mới sau khi Luật Bảo hiểm y tế đi vào cuộc sống, tạp chí Dân chủ và pháp luật, số 12/2009.

– Đinh Quốc Dũng, Thực trạng và giải pháp về chế độ bảo hiểm xã hội hưu trí ở Việt Nam, tạp chí BHXH tháng 3 năm 2010.

– Lê Bạch Hồng, Vai trò của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với an sinh xã hội của đất nước, tạp chí Bảo hiểm Xã hội, số tháng 9 năm 2010.

– Bài báo khoa học của GS. TS. Hoàng Thị Kim Quế: Các yếu tố tác động đến thực hiện pháp luật của công dân, tạp chí Khoa học, Luật học, Đại học quốc gia Hà nội, tập 31, số 3 (2015), 1- 7; Trách nhiệm nhà nước trong việc đảm bảo thực hiện pháp luật của công dân, Tạp chí Khoa học pháp lý Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, số 05 (90), 2015, trang 3- 9;

Thực hiện pháp luật nhìn từ phương diện hành vi hợp pháp và tính tích cực pháp luật của công dân, Tạp chí khoa học ĐHQGHN, (Legal Studies), Đại học Quốc gia Hà nội, Vol (tập) 31, số 4/2015; Thực hiện pháp luật của cá nhân, công dân trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay, Tạp chí Luật học, số 2 (177), 2- 2015, trang: 44- 50 tạp chí Luật học, số 2/2015.

 Nội dung của pháp luật bảo hiểm y tế ở Việt Nam

Quy định về đối tượng tham gia: quy định cụ thể đối tượng tại Điều 12 Luật BHYT 2008. Từ năm 2010 đối tượng tham gia BHYT bao gồm người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; thân nhân người lao động; xã viên hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể. Sang năm 2012 đối tượng tự nguyện tham gia BHYT chỉ bao gồm: Thân nhân của người lao động, bao gồm: bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc chồng; bố, mẹ nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp mà người lao động có trách nhiệm nuôi dưỡng và sống trong cùng hộ gia đình; Xã viên hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể. Bắt đầu từ 1/1/2014 tất cả các đối tượng đều có trách nhiệm tham gian BHYT bắt buộc.

Quy định về mức đóng, mức hỗ trợ đóng: tại Điều 7 NĐ 146/2018 NĐ-CP quy định cụ thể mức đóng hằng tháng đối với đối tượng cụ thể .

Quy định về phương thức thanh toán: Nghị định 62/2009/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT quy định căn cứ mức đóng BHYT, người t tham gia BHYT đóng định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm một lần vào quỹ BHYT thông qua đại lý, ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc trực tiếp cho cơ quan BHXH.

Quy định về hệ thống tổ chức thực hiện: Theo Luật BHYT, Bộ Y tế có trách nhiệm xây dựng và trình Chính phủ các giải pháp nhằm đảm bảo cân đối quỹ BHYT.

Quy định về thẻ bảo hiểm y tế: Trước đây, khi mua BHYT thì điều kiện để mua thẻ là phải có bản sao hộ khẩu thường trú, KT3 hoặc tạm trú. Quy định này đã làm hạn chế số lượng người tham gia bởi lẽ không phải ai cũng đáp ứng điều kiện trên.

Thẻ BHYT không được triển khai dưới dạng bán lẻ đến từng cá nhân, mà bán qua hệ thống người làm công tác đại lý tại xã, phường; các đại lý này phải được ủy ban nhân dân xã xác nhận và giới thiệu, đồng thời được BHXH hướng dẫn, tập huấn. Hiện nay để khuyến khích các chủ thể tham gia người dân đăng ký tên, nộp tiền theo đại lý, sau đó đại lý sẽ chuyển danh sách theo mẫu quy định đầy đủ các tiêu chí cho hệ thống bảo hiểm để được in thẻ BHYT. Thẻ BHYT có giá trị sau 30 ngày kể từ ngày nộp tiền vào quỹ.

Quy định về cơ sở y tế: Nhà nước có chính sách người dân khám chữa bệnh tại cơ sở y tế tuyến xã sẽ được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh  khoản 1 Điều 22 Luật BHYT 2008. Với mục đích giảm tình trạng quá tải ở các cơ sở y tế tuyến trên, Luật BHYT quy định thanh toán khám, chữa bệnh vượt tuyến theo tỷ lệ 30%, 50%, 70% là nguyên nhân dẫn tới sự quá tải ở tuyến trên nên quy định này không mang lại hiệu quả cao.

Để hướng dẫn cho việc chuyển tuyến trong khám chữa bệnh ngày 14/08/2009, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 10/2009/TT-BYT hướng dẫn đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT có hiệu lực thi hành từ 01/10/2009 và Công văn số 245/BHXH-CSYT về việc hướng dẫn một số nội dung trong tổ chức khám, chữa bệnh BHYT, trong đó yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở y tế xây dựng kế hoạch và thực hiện chuyển đối thẻ đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu về y tế cơ sở, giảm tối thiểu 50% đối tượng đăng ký ban đầu tại y tế tuyến tỉnh trong năm 2012.

Quy định về thủ tục, chất lượng khám chữa bệnh: Người tham gia BHYT khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ BHYT có ảnh; (trường hợp thẻ BHYT chưa có ảnh thì phải xuất trình thẻ BHYT cùng với giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó; đối với trẻ em dưới 6 tuổi chỉ phải xuất trình thẻ BHYT). Đối với trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT được khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào và phải xuất trình thẻ BHYT cùng với giấy tờ quy định như trên trước khi ra viện.

Đối với trường hợp chuyển tuyến điều trị: trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn kỹ thuật thì cơ sở khám chữa bệnh BHYT có trách nhiệm chuyển người bệnh kịp thời đến cơ sở khám chữa bệnh BHYT khác theo quy định về chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật; người tham gia BHYT phải có hồ sơ chuyển viện của cơ sở khám chữa bệnh. Trường hợp khám lại theo yêu cầu của người điều trị người tham gia BHYT phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở khám chữa bệnh.

Quy định về quỹ bảo hiểm y tế: Quản lý quỹ BHYT được quy định như sau: Số thu BHYT: 90% lập quỹ khám chữa bệnh BHYT; 2% lập quỹ dự phòng khám chữa bệnh BHYT; 5% dành chi cho các hoạt động phối hợp, tổ chức thực hiện việc thu đóng BHYT, phát hành thẻ BHYT và hỗ trợ cho các cơ sở khám, chữa bệnh để tổ chức thu viện phí và thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh của người bệnh BHYT; 3% dành chi cho đào tạo người tham gia đại lý và bổ sung cho công tác tuyên truyền, vận động, khen thưởng và nâng cao năng lực cán bộ.

Nếu số chi khám chữa bệnh BHYT vượt quá quỹ khám chữa bệnh BHYT được sử dụng trong năm, BHXH Việt Nam được sử dụng kinh phí của quỹ dự phòng khám chữa bệnh BHYT hoặc quỹ dự phòng khám chữa bệnh BHYT bắt buộc theo quy định để bảo đảm chi trả đầy đủ, kịp thời cho các đối tượng tham gia BHYT.

 Pháp luật về bảo hiểm y tế của một số nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Các mô hình BHYT xuất hiện trước hàng thế kỷ nay là vào thế kỷ 18, 19 tại Cộng hoà Liên bang Đức, Pháp, Mỹ… và đến nay tại các nước trong khu vực Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… cũng đang phát triển BHYT theo nhiều hướng. Tuy nhiên, mô hình tổ chức BHY và hiệu quả hoạt động của mô hình mỗi nước là rất khác nhau.

  • Pháp luật bảo hiểm y tế ở Cộng hoà Liên bang Đức

Là một đất nước triển khai BHYT tương đối sớm trên thế giới từ những năm 1884, BHYT ở Cộng hoà Liên bang Đức đã tương đối hoàn thiện và đã đạt tiêu chí BHYT toàn dân trên cơ sở hoạt động BHYT theo luật định.

Ở Đức, BHYT bắt buộc áp dụng đối với hầu hết người dân: người làm công ăn lương có mức thu nhập dưới ngưỡng quy định (năm 2013 là 52.200 Euro/ năm) và người thân của họ (vợ hoặc chồng và con cái của họ dưới 18 tuổi tự động được hưởng bảo hiểm mà không phải đóng góp gì thêm); sinh viên; người được đào tạo nghề; người về hưu; người khuyết tật; người thất nghiệp đang nhận trợ cấp; nông dân; nghệ sỹ… và các đối tượng khác . Có thể thấy, mặc dù Đức có dân số khá đông nhưng do đối tượng bắt buộc tham gia BHYT được quy định trong luật rộng nên hầu hết người dân Đức đều tham gia BHYT bắt buộc.

Về mức đóng: Luật BHYT quy định tỷ lệ đóng góp giữa chủ sử dụng lao động và người lao động, không quy định cụ thể mức đóng BHYT, do vậy mức đóng của các quỹ BHYT có sự chênh lệch khác nhau, dao động từ 10,2% đến 15,7% tổng tiền lương. Người về hưu đóng phí BHYT từ tiền lương hưu của mình 50% mức đóng, Nhà nước đóng 50% cho họ;

Như vậy ở Đức, BHYT theo luật định là hình thức bảo hiểm được áp dụng đối với hầu hết thành phần trong xã hội, hoạt động theo nguyên tắc tương trợ cộng đồng. Trong BHYT theo luật định song song tồn tại hai hình thức BHYT bắt buộc và BHYTTN, trong đó BHYT bắt buộc được coi là nòng cốt của hệ thống BHYT.

  • Pháp luật bảo hiểm y tế ở Trung Quốc

Trung Quốc là đất nước có số dân đứng hàng đầu thế giới song nhiều năm qua BHYT của Trung Quốc chưa tìm được những hướng đi phù hợp để thu hút được cộng đồng tham gia BHYT. Số người tham gia BHYT bắt buộc tập trung tại các khu vực đô thị  được chi trả 50% chi phí. BHYT bắt buộc của người lao động (mức phí dưới 4% lương) sau khi đã đóng đủ BHYT bắt buộc (6% lương do chủ sử dụng lao động và 2% lương do người lao động đóng góp).

Cho đến hết 2003, Trung Quốc có khoảng trên dưới 10% dân số tham gia (86,9 triệu người tham gia tính đến tháng 12/2002). Từ thời điểm chính phủ Trung Quốc bắt đầu triển khai thí điểm “Chế độ bảo hiểm y tế hợp tác nông thôn kiểu mới”, khi nông dân tham gia chế độ này, khám chữa bệnh, chi phí nằm viện có thể do ba bên như cá nhân, tập thể và chính quyền cùng gánh vác. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Chính phủ Trung Quốc đầu tư quy mô lớn nhằm giải quyết vấn đề điều trị y tế cơ bản của nông dân.

  • Pháp luật bảo hiểm y tế tại Thái Lan

Thái Lan là một nước nằm trong khu vực Đông Nam Á, có nền kinh tế phát triển tương đối nhanh so với các nước trong khu vực đặc biệt là phát triển kinh tế du lịch. BHYT bắt đầu hoạt động ở Thái Lan từ năm 1983 đến 2001 đạt tỷ lệ cao nhất trong các loại hình BHYT của Thái Lan. BHYT cho công chức, doanh nghiệp Nhà nước do Bộ Tài chính quản lý chiếm 8,5% dân số; BHYT cho doanh nghiệp tư nhân do Bộ Lao động quản lý chiếm 267,2% dân số; BHYT thương mại chiếm 2,1% dân số; BHYTTN do Bộ Y tế quản lý chiếm 20,8% dân số.

Chính phủ Thái Lan đã thành lập Văn phòng BHYT quốc gia là đầu mối quản lý và cấp ngân sách cho người cung ứng dịch vụ BHYT xây dựng, thí điểm chương trình “Thẻ vàng 30 bạt chữa mọi bệnh”. Hệ thống BHYT Thái Lan là một trong những hệ thống BHYT phức tạp trong khu vực Đông Nam Á. Mặc dù là quốc gia thực hiện BHYT nhanh nhất trong khi vực nhưng hệ thống BHYT Thái Lan đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức do chịu ảnh hưởng của sự bất ổn về hệ thống chính trị cũng như trong công tác quản lý và thực hiện BHYT như tình trạng lạm dụng BHYT, chi phí gia tăng, hệ thống quản lý bị phân tán.

2. Cơ sở thực tiễn:

Tỉ lệ phần trăm tham gia BHYT bắt buộc và tỉ lệ các nhóm đóng BHYT bắt buộc tại Việt Nam

  • Tỉ lệ phần trăm tham gia BHYT bắt buộc

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong những năm qua, số người tham gia BHYT gia tăng nhanh chóng. Từ khi Luật BHYT năm 2008 ra đời đã mở rộng các đối tượng tham gia lên 25 đối tượng, bao trùm hầu hết các tầng lớp nhân dân.

Cụ thể, năm 2010 là 52,407 triệu người tham gia BHYT, bằng khoảng 60% dân số. Năm 2011 là 57,982 triệu người, tương đương khoảng 64,9% dân số. Và năm 2012, đã có 59,164 triệu người có thẻ BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 67% dân số.

Bảng 1: Số lượng người tham gia BHYT trong giai đoạn 2008 – 2012

Năm Dân số
(nghìn người)
Số người tham gia BHYT
(nghìn người)
Tỷ lệ dân số tham gia (%)
2008 84.752 35.595 42.0
2009 85.847 48.589 56,6
2010 86.950 52.407 60,0
2011 87.840 57.982 64,9
2012 91.519 59.164 67

Theo Luật BHYT, các đối tượng quy định Điều 12 của luật phải thực hiện BHYT bắt buộc. Đây là những lộ trình đầu tiên hướng tới BHYT toàn dân. Đó là những đối tượng có thu nhập ổn định, có sự hỗ trợ của Nhà nước, của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Họ là người lao động có hợp đồng lao động, người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, người có công với cách mạng, người thuộc hộ gia đình nghèo…

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 Luật BHYT năm 2008, trách nhiệm đóng BHYT cho những nhóm đối tượng trên thường do tổ chức, cơ quan, ngân sách nhà nước, hoặc được hỗ trợ một phần, hoặc theo tỷ lệ như: tổ chức BHXH, cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp học bổng, người sử dụng lao động đóng theo tỷ lệ với người lao động, ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ một phần. Bởi những đặc điểm trên, nên Luật BHYT mới quy định lộ trình sớm cho những đối tượng này, vì khả năng thực hiện dễ dàng hơn.

Nhà nước đã thực hiện các cơ chế hỗ trợ tham gia BHYT. Các đối tượng thuộc hộ cận nghèo tại 62 huyện nghèo, hộ mới thoát nghèo và hàng triệu các đối tượng chính sách khác như: người có công với cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh, nạn nhân da cam… đã được cấp thẻ BHYT miễn phí từ nguồn ngân sách nhà nước.

Kết quả tính đến 31/12/2012, với 67% dân số tham gia BHYT, nhóm có tỷ lệ tham gia đạt 100% là nhóm công chức, viên chức, hành chính sự nghiệp, người hưu trí, người có công với cách mạng. Nhóm có tỷ lệ tham gia cao gồm người nghèo và trẻ em dưới 06 tuổi. Nhóm có tỷ lệ tham gia trung bình là học sinh sinh viên, đạt 83%. Nhóm có tỷ lệ tham gia thấp bao gồm: Doanh nghiệp (53%), cận nghèo (32%), tự nguyện (47%).[2]

  • Tỉ lệ các nhóm đóng BHYT bắt buộc

Do ngân sách nhà nước đóng 52%; được ngân sách nhà nước hỗ trợ 19%; Do người lao động và người sử dụng lao động đóng 17%; Do cá nhân tự đóng 8%; Do quỹ BHXH đóng 4% (số liệu năm 2010).

Đối tượng tham gia đóng BHYT bắt buộc và tỉ lệ các nhóm đóng BHYT bắt buộc của một số quốc gia trên thế giới

Trên thế giới, BHYT là một vấn đề được rất nhiều các nhà khoa học pháp lý quan tâm nghiên cứu vì BHYT luôn mang ý nghĩa nhân đạo, có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu công bằng xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. BHYT toàn dân là mục tiêu hướng tới của tất cả các quốc gia khi thực hiện chính sách BHYT.

Nhiều quốc gia khu vực châu Á đã thực hiện BHYT toàn dân từ vài năm đến vài chục năm nay với tỉ lệ tham gia đóng BHYT bắt buộc đạt 80-90% dân số như Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc…

  • Nhật Bản

Nhật bản là một quốc gia có nền y tế rất phát triển, tuổi thọ trung bình của quốc gia này luôn ở vị trí cao trên các bảng xếp hạng. Điều này phần lớn xuất phát từ những chính sách quan tâm đến sức khỏe cộng đồng của quốc gia này. Năm 1922, Nhật Bản là quốc gia châu Á đầu tiên ban hành Luật BHYT. Việc thi hành bị trì hoãn cho tới năm 1927 vì đã xảy ra trận động đất Kanto vào năm 1923. Tiếp đó, năm 1938 Nhật Bản ban hành Luật BHYT quốc gia, năm 1939 ban hành Luật BHYT cho người lao động, Luật BHYT cho ngư dân và đến năm 1961, Nhật Bản thực hiện BHYT cho toàn dân.[3]Đối tượng tham gia BHYT theo quy định của pháp luật Nhật Bản rất rộng, bao gồm những người làm công ăn lương, lao động tự do, nông dân và người không có nghề nghiệp. Tuy nhiên, pháp luật BHYT có những quy định phù hợp dành riêng cho từng đối tượng. BHYT cho người lao động được thực hiện theo nơi làm việc. BHYT quốc gia được thực hiện theo vị trí địa lý.

Nguồn quỹ BHYT được hình thành từ sự đóng góp của người lao động, chủ sử dụng lao động và tài trợ của Nhà nước. Trách nhiệm đóng BHYT được thực hiện theo nguyên tắc mức phí đóng BHYT được chia đều, người lao động đóng 50%, chủ sử dụng lao động đóng 50%. Luật BHYT Nhật Bản xác định riêng hai loại quỹ cho các đối tượng để có sự hỗ trợ cho những đối tượng yếu thế. Quỹ BHYT quốc gia áp dụng cho lao động tự do, nông dân và người không có nghề nghiệp. Nhà nước bảo trợ nhiều hơn cho loại quỹ này, vì đối tượng của quỹ thường có thu nhập thấp và không ổn định. Quỹ BHYT của người làm công ăn lương, đây là đối tượng có thu nhập thường xuyên và ổn định.

Luật BHYT Nhật Bản quy định bệnh nhân BHYT phải thực hiện trách nhiệm cùng chi trả. Quy định này nhằm tăng thêm chi phí cho quỹ BHYT, đồng thời hạn chế sự lạm dụng quỹ từ phía người thụ hưởng. Mức cùng chi trả phụ thuộc vào đối tượng hoặc nhóm đối tượng. Cụ thể: người lao động tự do trả 30%, công chức trả 20%, người lao động hưởng lương trả 10% chi phí khám chữa bệnh.

  • Hàn Quốc

Tháng 12/1963 Luật BHYT có hiệu lực và bắt đầu thực thi tại Hàn Quốc. Đến  12/1976 Luật BHYT đã được sửa đổi gần như hoàn toàn. Sau khi Luật BHYT được sửa đổi và áp dụng năm 1976, đối tượng tham gia BHYT được mở rộng nhanh chóng. Nếu như năm 1977 chỉ triển khai đến các công ty, hãng lớn có từ 500 công nhân trở lên, thì đến năm 1988 đã mở rộng đến các công ty nhỏ và bước đầu thí điểm đến những người lao động tự do, sau đó không ngừng mở rộng thêm các đối tượng. Đến năm 1989, Hàn Quốc đã đạt độ bao phủ toàn dân với gần 100% người Hàn Quốc có BHYT. Thực hiện chính sách BHYT toàn dân, Hàn Quốc có điều kiện bao cấp y tế tốt hơn cho diện đối tượng dễ bị tổn thương.

Mức đóng BHYT của người dân Hàn Quốc tính theo thu nhập hoặc tài sản cố định. Thông thường người lao động đóng 2-8% thu nhập; công chức đóng 4,2% thu nhập, Chính phủ cùng nộp 4,2%. Còn đối với lao động tự do, mức đóng được tính theo mức xếp loại thu nhập hoặc tài sản cố định. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% mức phí nhằm mục đích đảm bảo chi phí quản lý.

  • Thái Lan

Từ năm 1975 đến năm 2001, Chính phủ Thái Lan đã thực hiện BHYT cho nhóm người nghèo và nhóm người bị thiệt thòi. Đến năm 1981, Chính phủ triển khai chương trình cấp thẻ cho người có thu nhập thấp (LIC) đến những người có thu nhập hàng tháng dưới 1.000 baht/tháng. Năm 1983, chương trình LIC mở rộng đến những người già trên 60 tuổi. Vào năm 1993, LIC được mở rộng đến trẻ em dưới 12 tuổi và các lãnh đạo tôn giáo. Với việc ngày càng mở rộng đối tượng, đến tháng 4/2002 Thái Lan đã thực hiện thành công BHYT toàn dân.

Như vậy có thể thấy, ở các quốc gia luật pháp hầu hết bắt buộc thực hiện BHYT toàn dân. Tuy thời gian hoàn thành BHYT toàn dân có khác nhau, nhưng các nước đều có chung những điều kiện thực hiện là GDP đạt hơn 1.500 USD/đầu người, vai trò chỉ đạo, điều hành của Nhà nước, và sự tham gia của mọi đối tượng trong xã hội, hướng đến mục tiêu 100% người dân có BHYT.

Về tiếp cận dịch vụ y tế

Trong những năm gần đây, số lượt người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh tăng nhanh cả về số lượng và tần suất tại tất cả các tuyến y tế. Năm 2012, ước tính có 121 triệu lượt người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh, tăng  gần 2,6 triệu lượt so với năm 2011. Tần suất khám chữa bệnh tăng hàng năm, đặc biệt là ở tuyến y tế cơ sở, đạt 2,1 lần/người/năm.

Bên cạnh đó, quyền lợi của người tham gia BHYT được bảo đảm và ngày càng mở rộng theo đúng quy định. Tham gia BHYT, mỗi người dân đã được hưởng những quyền lợi tiếp cận dịch vụ y tế từ nội trú, ngoại trú, phục hồi chức năng, dự phòng, dịch vụ kỹ thuật cao. Về cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước, của tư nhân và 80% số trạm y tế xã đã tổ chức khám chữa bệnh BHYT.

Nguồn thu từ BHYT đã đóng góp khoảng 80% tổng kinh phí phục vụ khám chữa bệnh tại các bệnh viện, góp phần nâng chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Phần đóng góp của người dân chiếm khoảng 58% trong tổng thu BHYT. Tỷ lệ cùng chi trả là 0% đối với đối tượng người có công với cách mạng và trẻ em dưới 06 tuổi; 5% đối với đối tượng người nghèo, người hưu trí, bảo trợ xã hội; 20% đối với các đối tượng còn lại. Từ năm 2010 đến nay, quỹ BHYT kết dư trên 12 ngàn tỷ đồng.

III. Quan điểm của nhóm

Từ khi bảo hiểm y tế mang tính chất bắt buộc tham gia đối với các đối tượng theo quy định tại Điều 12 Luật BHYT 2008 và việc đối tượng thuộc diện đóng bảo hiểm y tế không đóng hoặc đóng không đầy đủ là một trong những hành vi bị cấm theo quy định tại khoản 1 Điều 11 của Luật này có hiệu lực thi hành thì dường như việc triển khai trên thực tế vẫn còn vướng phải rất nhiều khó khăn. Luôn có luồng quan điểm không đồng ý với quy định “bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế” bên cạnh quan điểm đồng ý với quy định này và vấn đề này hiện nay vẫn còn đang gây tranh cãi. Trên quan điểm đồng ý nhóm có các lập luận sau đây:

Thứ nhất: đóng bảo hiểm y tế là một trong những cách để mọi người ý thức hơn về vấn đề bảo vệ sức khỏe của bản thân.

Với mức đóng tương đối thấp theo quy định tại Điều 7 Nghị định 146/2018 NĐ-CP, một năm ước tính chưa tới 1 triệu đồng nhưng đổi lại người đóng được nhận nhiều lợi ích. Một trong những lợi ích quan trọng nhất là sẽ được bảo hiểm y tế chi trả đối với các dịch vụ khám chữa bệnh tại Điều 21 Luật BHYT 2008 với mức hưởng tại quy định Điều 22 của Luật này.

Ví dụ như: nếu em gái của bạn dưới 6 tuổi đã có bảo hiểm y tế, khi đi khám bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh có sử dụng thẻ bảo hiểm y tế thì sẽ được hoàn trả lại 100% chi phí khám chữa bệnh theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 Luật BHYT 2008. Theo quy định tại công văn số 2046/BHXH-CSYT và công văn số 2120/BHXH-CSYT thì mức chi trả tối đa của bảo hiểm y tế cho một người trong một lần sử dụng dịch vụ là 48.400.000 đồng (tương đương với 40 lần mức lương cơ sở). Như vậy chúng ta có thể nhận thấy rằng, việc tham gia bảo hiểm y tế là một trong những lợi thế rất lớn cho chính bản thân người đóng khi có nhu cầu sử dụng.

Phần đa người dân Việt Nam không có thói quen đến bệnh viện (một phần là lười và phần còn lại là tâm lý sợ tốn kém). Với việc quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế thì cơ quan quản lý đã giải quyết được bài toán sợ tốn kém của người dân. Nếu có bảo hiểm y tế thì người bệnh không những ý thức hơn trong vấn đề khám chữa bệnh mà còn được BHYT san sẻ bớt phần gánh nặng về kinh phí. Bà Nguyễn Kim Phương – chuyên gia tài chính y tế (Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam) cho rằng: Chi tiền túi có thể gây nên những tổn thất về tài chính và có thể làm cho một gia đình đang ở trên mức sống trung bình nhưng sau một lần ốm đau trả tiền cho các dịch vụ y tế thì có thể rơi xuống ngưỡng đói nghèo[4]. Trên thực tế hiện nay vẫn còn có những hoàn cảnh khó khăn không thể chữa bệnh vì không có tiền và đó cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều cái kết thương tâm. Minh chứng như gia đình anh Muốn ở Hậu Giang[5], trên đường đưa con trai đi khám bệnh thì người cha xấu số ấy đã bị tai nạn giao thông, vợ thì đang mang thai, mẹ già ngoài 70 tuổi, con trai anh sau đó lại phát hiện bị bệnh ung thư máu. Cả gia đình dường như trông chờ vào lao động là người đàn ông ấy nhưng sau một vụ tại nạn giao thông, không tiếp tục điều trị vì để giành tiền chữa bệnh cho con, bản thân anh thì bị đứt dây chằng ở cánh tay và xương đòn phải nẹp inox giờ đây gia đình anh rơi vào hoàn cảnh nợ nần chồng chất, đứa con nhỏ mới sinh ra thì rơi vào tình trạng khát sữa. Giả sử gia đình anh có tham gia bảo hiểm y tế thì bài toán nan giải này đã được giải quyết phần nào.

Hiện nay với quy định tại Công văn số 943 BHXH-CSYT người khám chữa bệnh được sử dụng thẻ bảo hiểm khám tự do ở bất kì bệnh viện nào nếu cùng tuyến huyện là một trong những cách thức mà Nhà nước, cơ quan quản lý đã tạo tối đa điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, hiện nay sử dụng thống nhất 1 thẻ bảo hiểm, mỗi người 1 thẻ không còn phát hành thẻ hằng năm. Với việc quy định cụ thể một người 1 số thẻ bảo hiểm y tế riêng, chỉ được cấp một lần tránh tình trạng thủ tục phiền phức, mỗi năm phát một thẻ khó khăn trong việc sử dụng.

Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm 1.9 khoản 1 Điều 3 Quyết định số 1313/QĐ-BHXH ngày 02/12/2014 của BHXH Việt Nam về việc ban hành mẫu thẻ BHYT thì trong trường hợp một đối tượng đã tham gia BHYT liên tục trên 5 năm và có mức chi trả cho chi phí khám chữa bệnh là lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì sẽ được cấp giấy “không cùng chi trả trong năm” có nghĩa là BHYT sẽ chi trả 100% cho chi phí khám chữa bệnh của người đó các lần sau trong năm mà không quan tâm đến tỉ lệ phần trăm theo Luật định. Đây là một trong những quy định tích cực và phù hợp cho công tác vận động mọi người tham gia BHYT.

Thứ hai: đóng BHYT không những là phục vụ lợi ích của bản thân mình mà còn là một trong những nguồn đảm bảo cho lợi ích công đồng và an sinh xã hội.

Bản chất bảo hiểm y tế là san sẻ rủi ro cho nhau, chúng ta đã có bao giờ tự đặt ra cho mình câu hỏi, tại sao chúng ta chỉ đóng BHYT chưa tới 500 nghìn đồng cho mỗi năm, hay thậm chí chúng ta không cần phải đóng tiền để mua bảo hiểm nhưng vẫn có bảo hiểm dùng nhưng mỗi lần đi khám chữa bệnh thuộc diện chi trả của BHYT thì chúng ta được nhận lại số tiền lớn hơn số tiền đã đóng, và thậm chí là lớn hơn rất nhiều cho một năm chưa; đây chính là cơ chế san sẻ rủi ro mà BHYT mang lại cho chúng ta.

Có thể mọi người sẽ cho rằng mình mua bảo hiểm nhưng không dùng, một là không dùng vì không có bệnh, hai là lười đi bệnh viện, ba là đã mua những loại bảo hiểm khác từ các công ty bảo hiểm và nhiều lý do khác nhưng chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng một điều không ai có thể tiên liệu được trước bệnh của mình sẽ đến khi nào để mua phòng thân khi mua bảo hiểm có thể bản thân bạn không muốn mình dùng tới thẻ bảo hiểm. Chúng ta không dùng không phải tiền của chính ta mang đi “đổ sông đổ biển” mà là đang san sẻ bớt gánh nặng cho những người xấu số khác cho xã hội. Theo quan điểm của nhóm tính xã hội trong BHYT thể hiện rất cao.

Nguồn tiền thu được từ bảo hiểm y tế không những sử dụng cho việc chi trả cho chi phí khám chữa bệnh của mọi người chiếm 90% còn 10% là đưa vào quỹ dự phòng (5%) và chi phí quản lý bảo hiểm (5%).  Quỹ dự phòng với chức năng chính là phân bổ chi phí khám chữa bệnh BHYT cho các tỉnh, thành phố. Và số tiền dư nhàn rỗi có thể được đầu tư sinh lời do Hội đồng quản lý BHXH dưới sự đề nghị của Giám đốc BHXH. Trong giai đoạn năm 2016-2018 với việc đầu tư trên đã sinh lợi gần 8,4 tỷ đồng trong vòng 2 năm, theo báo cáo của người đứng đầu Bộ Y Tế[6]. Nguồn tiền này là cần thiết để bảo đảm tính bền vững của chính sách bảo hiểm y tế, đảm bảo khả năng chi trả trước những rủi ro về thiên tai, dịch bệnh có thể phát sinh.

Một trong những chính sách đặc biệt mà bảo hiểm mang lại cho người tham gia là cơ chế đóng bảo hiểm khác nhau của các nhóm đối tượng. Không có một công ty bảo hiểm nào mà sẽ cấp cho bạn một thẻ bảo hiểm miễn phí nếu bạn là hộ nghèo, cũng không hỗ trợ bớt một phần tiền đóng bảo hiểm nếu bạn là học sinh sinh viên như bảo hiểm y tế đây là cơ chế đặc biệt mà chỉ có người tham gia BHYT mới có được.

Bình luận một số quan điểm không đồng ý:

Hiện vẫn còn hơn 30% dân số chưa tham gia BHYT, trong đó có cả những người thuộc đối tượng có trách nhiệm phải tham gia BHYT theo quy định của pháp luật, người thuộc đối tượng được Nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT. Vẫn còn 18 tỉnh có tỷ lệ tham gia BHYT dưới 60%, 4 tỉnh có tỷ lệ tham gia BHYT dưới 50%.[7] Dù đã được Nhà nước, các tổ chức quốc tế hỗ trợ từ 70 – 90% kinh phí mua thẻ BHYT nhưng hiện mới có gần 1,7 triệu người/khoảng 6 triệu người cận nghèo tham gia BHYT. Nhóm học sinh – sinh viên bắt buộc phải tham gia BHYT theo luật định nhưng tỉ lệ tham gia mới đạt 70%. Nhóm đối tượng thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có tới 20 triệu người cũng có tỷ lệ tham gia BHYT ở mức thấp.

Theo Báo cáo kết quả nghiên cứu khả năng thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân năm 2011 của Bộ Y tế nhận thấy rằng có rất nhiều lý do người dân Việt Nam không tham gia bảo hiểm y tế[8]. Cụ thể những lí do chiếm tỷ lệ cao có thể kể đến mức đóng bảo hiểm cao không đủ để đóng, chất lượng khám chữa bệnh không đảm bảo hay thủ tục phiền hà. Bên cạnh đó, lí do không biết và không có thông tin về bảo hiểm y tế cũng trở thành nguyên dân người dân không mua bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, những nguyên nhân trên khi nhóm tác giả tiến hành nghiên cứu nhận thấy rằng nhà nước chính quyền địa phương có những giải pháp hiệu quả khắc phục nguyên nhân nêu trên. Từ đó, tạo điều kiện tốt cho người dân tiếp cận bảo hiểm y tế, phát huy được vai trò một trong các trụ cột an sinh xã hội hiện nay. Với quan điểm nên bắt buộc đóng bảo hiểm y tế nhóm xin đưa ra những dẫn chứng, lập luận phản biện cho những nguyên nhân được nêu trên.

Đối với nguyên nhân thứ nhất: mức đóng bảo hiểm cao, không đủ để đóng.

Đầu tiên, quy định pháp luật hiện nay chia ra thành các nhóm đối tượng khác nhau tương thích với điều kiện kinh tế của từng nhóm để có mức đóng bảo hiểm y tế phù hợp. Đồng thời, Nhà nước cũng trích từ Ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho một số đối tượng nhất định tạo điều kiện cho họ tham gia bảo hiểm y tế. Mức đóng bảo hiểm y tế được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội (sau đây gọi chung là tiền lương tháng), tiền lương hưu, tiền trợ cấp hoặc mức lương cơ sở[9].Cụ thể hơn mức đóng bảo hiểm y tế cho từng đối tượng được quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2018 Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Đơn cử, đối với đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động)[10] hằng tháng mức đóng bảo hiểm y tế 4.5% của tiền lương tháng. Mức tiền lương tháng để tính số tiền đóng bảo hiểm y tế được giói hạn tối đa không quá 20 lần mức lương cơ sở[11]. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2018, mức lương cơ sở là 1.390.000 đồng/tháng[12]. Tuy nhiên người sử dụng lao động sẽ đóng 2/3 tiền đóng bảo hiểm y tế và người lao động sẽ đóng 1/3 tiền đóng bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, các nhóm đối tượng có thu nhập thấp, khó khăn trong kinh tế sẽ được Nhà nước đóng bảo hiểm y tế trích từ ngân sách Nhà nước hoặc được hỗ trợ một phần[13]. Như nhóm đối tượng học sinh sinh viên thuộc nhóm được Nhà nước hỗ trợ. Với mức đóng hiện nay là bằng 4,5% mức lương cơ sở[14]. Trong đó, Ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, đối tượng sẽ phải đóng 70% còn lại. Số tiền mà một học sinh, sinh viên đóng BHYT hiện tại là 43.785 đồng/tháng, phần ngân sách nhà nước đã hỗ trợ là 18.765 đồng/tháng. Như vậy một năm học sinh sinh viên chỉ phải đóng 525.420 đồng.

Đối với các thành viên hộ gia đình khi mua bảo hiểm y tế thì mức đóng bảo hiểm y tế sẽ được giảm theo từng người: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất[15].

Người thứ Số tiền đóng mỗi năm
1 750.600 đồng
2 525.420 đồng
3 450.360 đồng
4 375.300 đồng
5 300.240 đồng

Bảng đóng bảo hiểm y tế thành viên trong hộ gia đình

Để tạo điều kiện đóng bảo hiểm y tế thuận lợi hơn, pháp luật quy định phương thức đóng bảo hiểm cho một số đối tượng có thể đóng theo tháng hoặc theo kỳ 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng[16]. Như vậy đối với các đối tượng không thể có một khoản tiền ngay để đóng một lần tiền bảo hiểm y tế thì có thể chia nhỏ thành các kỳ trong năm để tiến hành đóng.

Tiếp theo, theo Tổng cục Thống kê đã công bố thu nhập bình quân đầu người (GDP) Việt Nam năm 2016 là 48,6 triệu đồng, tương đương 2,215USD/người[17]. Nhận thấy thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam trong những năm gần đây có chiều hướng tăng. Trong khi mức đóng bảo hiểm y tế bình quân chung năm 2017 là 220.000 đồng/người/năm chiếm 0,5% tổng thu nhập bình quân đầu người.

Chính vì vậy, việc mua bảo hiểm y tế của người Việt là có khả năng. Mức đóng bảo hiểm hiện nay phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, bên cạnh có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ để việc mua bảo hiểm y tế không trở thành gánh nặng cho người dân.

Nguyên nhân thứ hai: chất lượng khám chữa bệnh không đảm bảo.

Có ý kiến cho rằng với số tiền đóng bảo hiểm đã bỏ ra nhưng chất lượng khám chữa bệnh lại chưa được đảm bảo. Nhận thấy rằng, chất lượng sức khỏe của người dân luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của nhà nước. Do đó cơ sở vật y tế, chăm sóc sức khỏe cũng như đội ngũ y, bác sĩ luôn được quan tâm, đầu tư, củng cố và trau dồi để đáp ứng được nhu cầu trên. Và bảo hiểm y tế cũng góp phần vào công cuộc đó. Trên thế giới, không một quốc gia nào có thể khẳng định ngân sách nhà nước đủ để chăm lo sức khoẻ cho toàn cộng đồng mà không có sự huy động của các thành viên trong xã hội. Càng ngày bảo hiểm y tế càng khẳng định vai trò không thể thiếu của mình đối với vấn đè an sinh xã hội. Số tiền đóng bảo hiểm y tế sẽ được cho vào quỹ bảo hiểm y tế. Đây được coi là nguồn tài chính quan trọng đối với công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Từ chỗ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng chi y tế, đến nay đã chiếm khoảng gần 1/3 ngân sách nhà nước dành cho y tế và chiếm tỷ trọng xấp xỉ 67% nguồn thu sự nghiệp của các cơ sở khám chữa bệnh. Nguồn quỹ này sẽ được phân bổ và sử dụng như sau: 90% số tiền đóng bảo hiểm dành cho khám chữa bệnh, 10% số tiền đóng bảo hiểm dành cho quỹ dự phòng, chi phí quản lý quỹ bảo hiểm y tế[18]. Theo Báo cáo của Chính phủ đến hết năm 2017, số người tham gia bảo hiểm y tế là 81,2 triệu người, tăng khoảng 5,3 triệu người so với năm 2016, đạt tỷ lệ 103,78% so với kế hoạch Chính phủ giao. Cũng theo Báo cáo ước chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là 88.600 tỷ đồng. Số dư quỹ đến 31/12/2017 là xấp xỉ 40.000 tỷ đồng, trong đó số kết dư để lại địa phương và Bộ Quốc phòng, Bộ Công an còn dư là 2.030 tỷ đồng. Số dư quỹ dự phòng là gần 38.000 tỷ đồng[19]. Trong thời gian qua, Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã phối hợp với Sáng kiến Việt Nam, Oxfam Việt Nam tổ chức Hội thảo công bố báo cáo Chỉ số hài lòng của người bệnh – đánh giá chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh tại một số bệnh viện công lập ở Việt Nam từ góc nhìn của người bệnh. Cuộc khảo sát được tiến hành tiến hành thí điểm thông qua khảo sát độc lập với sự tham gia của gần 3.000 người bệnh nội trú sau khi xuất viện dựa trên danh sách gần 140.000 bệnh nhân nội trú ở 29 bệnh viện tuyến tỉnh và huyện thuộc 21 tỉnh, thành trên cả nước tham gia chương trình khảo sát thí điểm. Kết quả cho thấy rằng Chỉ số hài lòng người bệnh trung bình đạt 3,98/5 tương ứng với mức độ hài lòng của người bệnh nội trú với chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh đạt mức 79,6% so với kỳ vọng của người bệnh[20]. Thông qua chỉ số hài lòng này có thể thấy chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được hoàn thiện. Như vậy, khoản tiền bảo hiểm y tế ngoài dùng cho mục đích chữa bệnh còn được dành ra để đầu tư thêm trang thiết bị, số lượng thuốc đảm bảo chất lượng phù hợp để phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Nhà nước các cơ quan có thẩm quyền luôn không ngừng nổ lực để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Nguyên nhân thứ ba: thủ tục phiền hà.

Hiện nay thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã có nhiều đổi mới.  Người tham gia bảo hiểm y tế khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế có ảnh[21] được khám chữa bệnh và hưởng bảo hiểm y tế theo đúng quy định. Một điểm mới về bảo hiểm y tế từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 người tham gia bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện trong cùng địa bàn tỉnh[22]. Nếu như trước đây việc sử dụng bảo hiểm y tế bị thu hẹp trong phạm tuyến bệnh viện đăng ký, phức tạp trong khâu chuyển tuyến thì hiện nay việc khám chữa bệnh được mở rộng ra các cơ sở khám chữa bệnh ngoại tuyến. Tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người bệnh rút gọn thủ tục phiền hà.  Theo PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), thời gian qua, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến trung ương đến tuyến huyện đều tích cực triển khai các biện pháp cải thiện chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh và đã có những kết quả cụ thể. Việc triển khai cải tiến quy trình khám bệnh đã giúp rút ngắn thời gian chờ đợi, tránh gây phiền hà, làm tăng sự hài lòng, niềm tin của người bệnh vào thầy thuốc… Tính trung bình, việc thống nhất quy trình khám bệnh, cải cách thủ tục hành chính, sắp xếp liên hoàn…đã rút ngắn thời gian khám bệnh được 48,5 phút. Nhận thấy rằng, thủ tục khám chữa bệnh hiện nay có những chuyển mình tích cực, nhanh gọn hơn tiết kiệm thời gian tiền bạc của người khám chữa bệnh cũng như giảm áp lực cho các cơ sở khám chữa bệnh.

Một trong những nguyên nhân nữa được đưa ra khi người dân không đồng ý mua bảo hiểm y tế do họ không biết và không có thông tin về bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, theo Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 29 tháng 03 năm 2013 Quyết định phê quyệt đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020 nâng chỉ tiêu bao phủ về dân số tham gia bảo hiểm y tế lên 90% trở lên cho tất cả các địa phương trên phạm vi cả nước. Để đạt được chỉ tiêu này hàng loạt chính sách tuyên truyền phổ biến đối với bảo hiểm y tế được thực hiện. Với mục đích cung cấp những thông tin chính xác nhất về loại hình bảo hiểm này được thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau. Đó có thể là tuyên truyền trong cộng đồng dân cư thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi, mở các hội thi tìm hiểu thông tin về bảo hiểm y tế. Đánh vào các nhóm đối tượng chính như người sử dụng lao động, học sinh sinh viên. Thời gian qua, tỷ lệ HS, SV tham gia bảo hiểm y tế có những bước phát triển ấn tượng, khi năm học 2006 – 2007 mới có 45% số học sinh, sinh viên tham gia, nhưng đến năm học 2017 – 2018 đã có 93,5% số học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế. Trong năm 2018-2019 hướng đến mục tiêu 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế[23]. Góp phần giúp người dân biết và hiểm được vai trờ thiết thực mà bảo hiểm y tế mang lại, tác động trực tiếp vào tâm lý mọi người. Đây là những đối tượng chiếm phần lớn trong xã hội, có nhận thức cao. Hiện nay việc tiếp cận tìm hiểu thông tin về bảo hiểm y tế rất dễ dàng. Ngày 01 tháng 07 là ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam.

Kết luận

Để đảm bảo công tác thực hiện bảo hiểm y tế trên thực tế diễn ra thống nhất nhóm kiến nghị một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất, giải quyết mối quan hệ giữa quyền lợi và mức đóng BHYT khi mở rộng phạm vi bao phủ và đặc biệt là với các nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ và nhóm tham gia BHYT tự nguyện, ảnh hưởng đến sự an toàn, hiệu quả sử dụng của quỹ BHYT.

Thứ hai, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHYT để đảm bảo mọi chủ thể trong xã hội đều có nhận thức đầy đử và đúng đắn nhất về lợi ích của mình khi tham gia BHYT.

Thứ ba, nhóm kiến nghị thay thế từ thẻ bảo hiểm y tế giấy thành thẻ từ. Mỗi thẻ có mang một thông tin riêng của chủ thẻ. Sở dĩ, việc sử dụng thẻ giấy như hiện nay rất khó khăn cho người sử dụng, rất dễ ướt, dễ hư hỏng. Nếu trang bị thành thẻ từ thì còn tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở khám chữa bệnh khi tiếp nhận, không còn sử dụng phương thức nhập thông tin thủ công.

Ghi nhận tính ưu việt của chính sách BHYT với diện bao phủ rộng, góp phần từng bước bảo đảm những điều kiện chăm sóc sức khỏe tối thiểu cho người dân, tuy nhiên không thể bỏ qua những điểm hạn chế nêu trên. Đặt trong mối tương quan với mục tiêu chung, lâu dài là tiến tới BHYT toàn dân, đẩy nhanh tiến độ BHYT toàn dân góp phần tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe theo hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển, thì những hạn chế nêu trên cần được sớm xem xét, khắc phục.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Văn bản quy phạm pháp luật
  1. Luật Bảo hiểm y tế năm 2008;
  2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế năm 2014;
  3. Nghị định 72/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 05 năm 2018 Nghị định quy định lương cơ sở đối với cán bộ công chức viên chức và lực lượng vũ trang;
  4. Nghị định 146/2018 NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số Điều của Luật Bảo hiểm y tế.

B- Về báo cáo, đề án, chuyên đề:

  1. Báo cáo kết quả nghiên cứu khả năng thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân của Bộ Y tế năm 2011;
  2. Chuyên đề bảo hiểm y tế toàn dân – thực trạng và kiến nghị năm 2013 của Trung tâm thông tin khoa học thuộc Viện Nghiên cứu lập pháp;
  3. Đề án Thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020 của Bộ Y tế;
  4. Nghiên cứu về khả năng tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân của Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế;
  5. Phát triển hệ thống an sinh xã hội Việt Nam phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đề tài khoa học cấp bộ, năm 2006 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
  • Về luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, đề tài nghiên cứu:
  1. Hoàng Mạnh Trường, “Thực hiện pháp luật về bảo hiểm y tế ở Việt Nam hiện nay”;
  2. Hồ Ngọc Cẩn, Võ Thanh Nhu, “Chế độ, chính sách mới về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, NXB Lao động, Hà Nôi” năm 2006;
  3. Lê Mạnh Hùng “Nghiên cứu một số yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến thu – chi quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, giai đoạn 2002 – 2006, 2012”;
  4. Lê Minh Tuyến “Nghiên cứu các nhân tố tác động đến sự tham gia bảo hiểm y tế của nông dân trên địa bàn Thành phố Hà Nội”;
  5. Mai Ngọc Cường, “Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội” – 2009;
  6. Nguyễn Hiền Phương “Cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật an sinh xã hội ở Việt Nam”;
  7. Nguyễn Thị Tứ “ Phát triền và hoàn thiện hệ thống bảo hiểm y tế tại Việt Nam”;
  8. Trần Quang Lâm, “Bảo hiểm y tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
  • Bài báo đăng tạp chí:
  1. Hoàng Thị Kim Quế: Các yếu tố tác động đến thực hiện pháp luật của công dân, tạp chí Khoa học, Luật học, Đại học quốc gia Hà nội, tập 31, số 3 (2015), 1- 7; Trách nhiệm nhà nước trong việc đảm bảo thực hiện pháp luật của công dân, Tạp chí Khoa học pháp lý Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, số 05 (90), 2015, trang 3- 9; Thực hiện pháp luật nhìn từ phương diện hành vi hợp pháp và tính tích cực pháp luật của công dân, Tạp chí khoa học ĐHQGHN, (Legal Studies), Đại học Quốc gia Hà nội, Vol (tập) 31, số 4/2015; Thực hiện pháp luật của cá nhân, công dân trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay, Tạp chí Luật học, số 2 (177), 2- 2015, trang: 44- 50 tạp chí Luật học, số 2/2015;
  2. Đào Văn Dũng, Thực hiện chính sách BHYT ở nước ta: Thành tựu, thách thức và giải pháp, Tạp chí Tuyên giáo số 8/2009;
  3. Đinh Quốc Dũng, Thực trạng và giải pháp về chế độ bảo hiểm xã hội hưu trí ở Việt Nam, tạp chí BHXH tháng 3 năm 2010;
  4. Lê Bạch Hồng, Vai trò của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với an sinh xã hội của đất nước, tạp chí Bảo hiểm Xã hội, số tháng 9 năm 2010;
  5. Nguyễn Hiền Phương, Bảo hiểm y tế trong hệ thống an sinh xã hội Việt Nam, tạp chí Luật học, số 10/2006;
  6. Nguyễn Hiền Phương, Một số giải pháp cơ bản hoàn thiện pháp luật Bảo hiểm y tế ở Việt Nam, tạp chí Bảo hiểm xã hội, số 4/2008;
  7. Nguyễn Huy Ban, Tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm y tế và lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, tạp chí Bảo hiểm xã hội, số 7/2004;
  8. Phạm Văn Chung, Nhìn lại một số quy định mới sau khi Luật Bảo hiểm y tế đi vào cuộc sống, tạp chí Dân chủ và pháp luật, số 12/2009.

ECác trang web

  1. dantri.com.vn
  2. nhandan.com.vn
  3. vov.vn

F- Các tài liệu khác

  1. Phan Văn Toàn, Lộ trình/ Chiến lược tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012 – 2015 và 2020, Tài liệu Hội thảo tập huấn “Tìm hiểu các chiến lược tăng cường tiếp cận thuốc cứu mạng” do Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) tổ chức ngày 27 – 28/8/2013.
  2. Tetsuo Fukawa, Public Health Insuarance in Japan, World Bank Institute, Washington, D.C. 2002.
  3. Theo Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát của UBTVQH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2009 – 2012, tháng 8/2013.
  4. Từ điển bách khoa Việt Nam, Hà Nội, 1995.

PHỤ LỤC 1

Lý do người dân không tham gia bảo hiểm y tế

Nội dung

Số người

n=120

Tỷ lệ %
So với tổng Có giá trị Cộng dồn
Mức đóng BHYT cao, không đủ tiền đóng 53 44,2 45,3 45,3
Chất lượng khám, chữa bệnh không bảo đảm 15 12,5 12,8 58,1
Thuốc BHYT không đủ 5 4,2 4,3 62,4
Thủ tục phiền hà 17 14,2 14.5 76,9
Không biết để mua 10 8,3 8,5 85,5
Không trả lời 13 10,8 11,1 96,6
Khác 7 5,7 3,4 100

PHỤ LỤC 2

Biểu đồ thể hiện tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam từ

 2010-2017

[1] Từ điển bách khoa Việt Nam, Hà Nội, 1995.

[2] Phan Văn Toàn, Lộ trình/Chiến lược tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012 – 2015 và 2020, Tài liệu Hội thảo tập huấn “Tìm hiểu các chiến lược tăng cường tiếp cận thuốc cứu mạng” do Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) tổ chức ngày 27 – 28/8/2013.

[3] Tetsuo Fukawa, Public Health Insuarance in Japan, World Bank Institute, Washington, D.C. 2002.

[4] Xem tại: https://vov.vn/xa-hoi/cach-nao-de-di-kham-chua-benh-phai-chi-it-tien-tui-nhat-625012.vov

[5] Xem tại: https://dantri.com.vn/tam-long-nhan-ai/cha-dau-khong-dam-di-kham-nhuong-cho-con-di-vien-20180416064238822.htm

[6] Xem tại: https://dantri.com.vn/viec-lam/quy-bao-hiem-y-te-thu-lai-hon-8000-ty-dong-trong-2-nam-20181018153955589.htm

[7] Theo Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát của UBTVQH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2009 – 2012, tháng 8/2013.

[8] Bảng 12 Lý do người dân không tham gia bảo hiểm y tế Báo cáo kết quả nghiên cứu khả năng thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân năm 2011 của Bộ Y tế, xem thêm PHỤ LỤC 1.

[9] Khoản 2 Điều 1 Luật BHYT 2014.

[10] Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.

[11] Khoản 8 Điều 1 Luật BHYT 2014.

[12] Khoản 2 Điều 3 Nghị định 72/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 05 năm 2018 Nghị định quy định lương cơ sở đối với cán bộ công chức viên chức và lực lượng vũ trang.

[13] Điều 3, Điều 4 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.

[14] Điểm d khoản 1 Điều 7 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.

[15] Điểm e khoản 1 Điều 7 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.

[16] Điều 9 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.

[17] Xem: Tổng cục Thống kê, tại website http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=382&idmid=&ItemID=18667  truy cập ngày 13/11/2018. xem thêm Phụ lục 2.

[18] Khoản 23 Điều 1 Luật BHYT 2014.

[19] Xem: P. Thảo, “ Qũy bảo hiểm y tế thu lại hơn 8.000 tỷ đồng trong 2 năm”, tại website https://dantri.com.vn/viec-lam/quy-bao-hiem-y-te-thu-lai-hon-8000-ty-dong-trong-2-nam-20181018153955589.htm, truy cập ngày 13/11/2018.

[20] Xem: Nguyễn Hùng, “ Chất lượng khám chữa bệnh đặt mức 79,6% so với kỳ vọng người bệnh”, tại website https://dantri.com.vn/suc-khoe/chat-luong-phuc-vu-kham-chua-benh-dat-muc-796-so-voi-ky-vong-cua-nguoi-benh-20180327181500606.htm, truy cập ngày 14/11/2018.

[21] Điều 28 Luật BHYT 2014.

[22] Khoản 15 Điều 1 Luật BHYT 2014.

[23] Xem: Nguyên Khang, “Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên”, tại website http://www.nhandan.com.vn/xahoi/bhxh-va-cuoc-song/item/37365302-thuc-hien-tot-chinh-sach-bao-hiem-y-te-hoc-sinh-sinh-vien.html, truy cập ngày 14/11/2018.

Tài tài liệu: Bấm vào đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *